NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH CAO SU

Cao su là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ yếu, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để có thể phát triển bền vững, ngành cao-su phải cơ cấu lại một cách toàn diện, trong đó cần hệ thống các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.

Năm 2022, mục tiêu đặt ra cho ngành cao-su xuất khẩu đạt giá trị 3,5 tỷ USD, trong đó, tính đến hết quý II, theo thống kê hải quan, kim ngạch xuất khẩu cao-su đã đạt 1,54 tỷ USD với sản lượng 772.000 tấn, tăng hơn 8% về lượng và 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu tiêu thụ lớn

Trong những tháng đầu năm 2022, nhiều chủng loại cao-su xuất khẩu đều tăng mạnh cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong các thị trường nhập khẩu cao-su Việt Nam, Trung Quốc chiếm tới 99,7% tổng lượng hỗn hợp cao-su tự nhiên và cao-su tổng hợp xuất khẩu và Việt Nam trở thành thị trường cung cấp cao-su lớn thứ hai cho Trung Quốc với gần 1 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của các nhà nhập khẩu cao-su, mỗi tháng Trung Quốc tiêu thụ khoảng 500.000 tấn cao-su tự nhiên, trong khi nguồn cung nội địa chỉ đáp ứng được khoảng 115.000 tấn. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu cao-su của Trung Quốc còn dư địa khá lớn.

Cùng với thị trường Trung Quốc, một số thị trường khác như châu Âu, Mỹ cũng đang hứa hẹn nhiều tiềm năng về xuất khẩu, nhưng cao-su Việt Nam cũng gặp những thách thức không nhỏ về năng lực cạnh tranh với các đối thủ như Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar… buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cao-su Lộc Ninh (Bình Phước) Đặng Kim Tuyến cho biết, là một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao-su Việt Nam (VRG), những năm gần đây, công ty đã xuất khẩu và ủy thác hàng nghìn tấn mủ cao su các loại hằng năm, vượt kế hoạch được giao.

Hiện công ty đã ký các hợp đồng tiêu thụ dài hạn với khách hàng truyền thống, thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Mỹ và châu Âu. Với thương hiệu sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường quốc tế, nên sản phẩm của công ty sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó, không có sản phẩm tồn kho. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa sản phẩm, công ty sẽ phải đổi mới toàn diện theo chỉ đạo của Tập đoàn để phát triển ổn định, bền vững.

Hiện nay, trên toàn quốc có hơn 250 doanh nghiệp và cơ sở tư nhân tham gia chế biến cao su với công suất đạt hơn 1,2 triệu tấn/năm, riêng VRG hiện có 44 nhà máy, xí nghiệp chế biến mủ cao-su, với công suất thiết kế 433,5 nghìn tấn/năm, chiếm 36,1% công suất các cơ sở chế biến mủ cao-su toàn quốc. Theo đánh giá, tổng công suất của các cơ sở chế biến hiện nay đã vượt sản lượng cao su hằng năm của Việt Nam từ 15-20%.

Do không có quy hoạch cơ sở chế biến cao-su toàn quốc và việc xây dựng nhà máy chưa gắn vùng nguyên liệu nên nhiều cơ sở tư nhân xây dựng tự phát dẫn đến tranh mua bán nguyên liệu mủ, gây mất an ninh trật tự xã hội và làm lãng phí trong đầu tư, khó kiểm soát được chất lượng, sản phẩm cao su sơ chế giảm chất lượng, ảnh hưởng uy tín trên thị trường xuất khẩu. Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao-su tự nhiên (ANRPC), ngành cao-su sẽ phục hồi nhanh chóng do việc mở lại biên giới và nối lại các hoạt động kinh tế thời kỳ hậu Covid-19.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng đánh giá, tình hình xuất khẩu ngành cao-su trong nửa đầu năm 2022 rất khả quan, đã có xu hướng tăng trưởng cả về lượng và trị giá. Theo dự báo từ nay đến hết năm 2023, dự kiến nguồn cung cao-su toàn cầu thiếu hụt và sự thiếu hụt này có thể sẽ kéo dài đến năm 2030, bởi khoảng cách cung và cầu ngày càng lớn.

Chính vì vậy, theo dự báo của các chuyên gia những năm tới, Việt Nam có khả năng được hưởng lợi về xuất khẩu cao-su do tình hình thế giới vẫn đang khan hiếm nguồn nguyên liệu này. Xuất khẩu cao-su của Việt Nam sang các thị trường lớn sẽ tiếp tục tăng, trong đó, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu cao-su lớn nhất… Từ những tín hiệu lạc quan đó đòi hỏi các doanh nghiệp cao-su phải nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tiếp cận nhanh thị trường để phát triển ổn định và bền vững.

Công nhân cao su: Họ là ai? Họ làm gì? - JobsGO

Khai thác mủ cao su.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), ngành cao su của Việt Nam đã trở thành một trong những ngành hàng quan trọng nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Diện tích cao su trong nước hiện đạt gần một triệu héc-ta, trong đó có 60% là cao su tiểu điền thuộc sở hữu của 265.000 hộ. Phần còn lại là diện tích thuộc các công ty cao-su của Nhà nước. Diện tích cao-su không có nhiều biến động trong những năm vừa qua.

Cũng như nhiều ngành kinh tế nông lâm nghiệp khác như cà phê, tiêu, điều… ngành cao-su dựa vào xuất khẩu là chủ yếu. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt gần 7 tỷ USD, trong đó kim ngạch từ sản phẩm cao-su đạt 3,7 tỷ USD và từ cao-su thiên nhiên đạt gần 3,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất về đầu ra của cao-su thiên nhiên của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu lớn còn lại bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends Tô Xuân Phúc cho rằng, tiêu thụ cao-su trên thế giới đang có nhiều thay đổi, trong đó, có các quy định về xuất nhập khẩu mặt hàng này. Do đó, các doanh nghiệp cao su Việt Nam phải thay đổi nhanh để thích ứng linh hoạt.

Sản xuất cao-su thiên nhiên bền vững trong tương lai là xu thế tất yếu, đây vừa là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm, thúc đẩy quá trình sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt về môi trường và xã hội. Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. Mặc dù là một trong ba quốc gia sản xuất cao-su lớn nhất trên thế giới, ngành cao su Việt Nam hiện đang đối mặt với một số hạn chế.

Đó là, tỷ trọng xuất khẩu cao-su nguyên liệu chưa qua chế biến còn cao; nhiều đơn vị sản xuất còn chưa quan tâm đến sản xuất cao su bền vững; liên kết giữa các cơ sở chế biến và các hộ tiểu điền lỏng lẻo; sản xuất cao-su tiểu điền còn tự phát. Bên cạnh đó, hộ trồng cao-su thiếu kiến thức cần thiết về kỹ thuật canh tác, khai thác mủ, chăm sóc vườn cây; chất lượng mủ đầu ra của hộ trồng thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu đầu vào để tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá bán mủ thấp. Các yếu tố này hiện đang trực tiếp ảnh hưởng tới tính bền vững của chuỗi cung của ngành.

Nhu cầu tiêu thụ cao-su nguyên liệu có chứng chỉ bền vững ngày càng tăng. Thời gian gần đây một số công ty cao-su nhà nước đã nỗ lực để tạo ra các diện tích cao-su có chứng chỉ bền vững theo tiêu chí của Việt Nam (VFCS/PEFC). Các doanh nghiệp khác cũng đang cố gắng để xây dựng những diện tích có chứng chỉ FSC.

Tuy nhiên, đến nay các diện tích đã đạt chứng chỉ còn thấp, chưa đáp ứng với tiềm năng của ngành và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới. Tạo nguồn cao su nguyên liệu bền vững có chất lượng cao, giá tốt đang trở thành nhu cầu cấp bách hiện nay. Để làm được điều này đòi hỏi ngành cao su cần có những thay đổi căn bản nhằm giải quyết các hạn chế, bất cập, bao gồm cả hạn chế trong việc hình thành các liên kết giữa thị trường, công ty cao su, các cơ sở biến biến và các hộ cao su tiểu điền tại Việt Nam.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cao-su Việt Nam Phan Thanh Vân cho rằng, trong tình hình hiện nay, các nhà sản xuất cần sớm đưa ra các giải pháp mà các doanh nghiệp cần hướng tới, trong đó ưu tiên các sản phẩm cao su thiên nhiên bền vững; đồng thời mong muốn Nhà nước tạo khung pháp lý đồng bộ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất và kinh doanh cao su theo xu hướng bảo vệ môi trường, hướng đến đạt chứng nhận quốc gia và quốc tế.

Theo Báo Nhân Dân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *