Nhu cầu của thị trường về cao su thiên nhiên bền vững đặt ra một thách thức lớn cho người sản xuất cao su cần cải thiện phương thức quản lý, sản xuất, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc minh bạch và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh. Điều này đang đòi hỏi ngành cao su Việt Nam phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường và đây cũng là hướng đi tất yếu
Theo Hiệp hội cao su Việt Nam, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 bao gồm: cao su thiên nhiên, sản phẩm cao su và gỗ cao su đạt 9,5 tỷ USD. Trong số đó, sản phẩm cao su đạt kim ngạch cao nhất với 3,7 tỷ USD, tiếp đó là cao su tự nhiên gần 3,3 tỷ USD và sản phẩm từ gỗ cao su là 2,5 tỷ USD.
Với con số trên, Việt Nam là quốc gia lớn thứ ba trên thế giới về lượng cung cao su thiên nhiên. Sản xuất cao su bền vững là có cơ hội cho Việt Nam nâng cao giá trị kinh tế cũng như đảm bảo tuân thủ với các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xã hội trong các khâu sản xuất.
Bên cạnh đó, để nâng cao sự nhận diện, thương hiệu sản phẩm cao su Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã xây dựng và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”. Thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam cho thấy, diện tích cao su của Việt Nam năm 2021 đạt gần 939.000 ha, trong đó phần diện tích của tiểu điền chiếm khoảng một nửa. Tuy nhiên, cao su tiểu điền đến nay chưa có diện tích nào đạt được chứng chỉ.
Đánh giá về nhu cầu thị trường thế giới về các cao su thiên nhiên bền vững, ông Tô Xuân Phúc – Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends nhận định, tiêu thụ cao su trên thế giới đang có nhiều thay đổi. Các quy định về tính hợp pháp và bền vững đối với nguồn cao su nguyên liệu đầu vào tạo sản phẩm ngày càng chặt chẽ. Gần đây một số sáng kiến quốc tế được hình thành với mục tiêu thúc đẩy sản xuất cao su bền vững. Bên cạnh đó, nhu cầu về cao su thiên nhiên bền vững đang hiện hữu tại Việt Nam.
Để cây cao su tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế, cải thiện điều kiện xã hội vùng nông thôn và nâng cao vai trò bảo vệ môi trường, cần có những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, sự quyết tâm thực hiện chương trình phát triển bền vững của doanh nghiệp và các tổ chức liên quan, giúp ngành cao su thực hiện các tiêu chí của các hệ thống chứng nhận về quản lý và sản xuất bền vững.
Theo Báo Tin tức